banner

Trang được xây dựng với nội dung giải trí dành cho tuổi thơ, giúp các bé hiểu biết thêm về ngôn ngữ, lịch sử, sự vật đời sống... thông qua các câu truyện Cổ tích, Truyền thuyết dân gian, nghệ thuật vẽ tranh, hài hước... từng bước xây dựng nền tảng trí tuệ cho bé. Trang cũng dành một phần nội dung cho bậc làm cha mẹ như: Đặt tên cho con - Tưởng dễ mà khó, sứ khỏe, nấu ăn, bài thuốc hay... Chúc các bé cùng phụ huynh thư giãn vui khỏe! Bé nào muốn có tranh, video, vui cười... muốn đăng lên trang này, nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt nội dung trước khi được đăng nhé!
Bài ngẫu nhiên
Bé nào có tranh đẹp, video hay, vui cười,... muốn đăng trên trang này thì nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt trước khi được đăng.
28 tháng 10, 2014

Những truyền thuyết về Trung thu

Đi tìm lời giải tại sao có bánh trung thu, câu chuyện Hằng Nga bay lên Mặt trăng thế nào, Thỏ Ngọc giã thuốc trên cung trăng...

Tết Trung thu là cái Tết thứ 3 trong năm của người Việt và một số nước ở châu Á và cũng là khoảng thời gian cho gia đình đoàn tụ, sum vầy. Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Trung thu khiến chúng ta "không biết đường nào mà lần". Và dưới đây là một vài truyền thuyết tiêu biểu.

Nguồn gốc Trung thu

Tết Trung thu của người Việt được mô phỏng theo phong tục của người Trung Quốc. Theo truyền thuyết, vua Đường Minh Hoàng (713 - 741 Tây Lịch) khi đang dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm Rằm tháng 8 Âm lịch thì gặp đạo sĩ La Công Viễn (Diệu Pháp Thiện). Vị đạo sĩ này đã dùng phép để đưa nhà vua lên cung trăng.



Mải mê thưởng thức cảnh tiên, say đắm bởi âm thanh du dương, ánh sáng huyền ảo cùng nàng tiên đang múa hát, nhà vua quên cả việc trở về trần gian khi trời đã gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về trong sự tiếc nuối.


Về tới hoàng cung, nhà vua còn vương vấn cảnh tiên nên đã cho chế ra khúc Nghê thường Vũ Y và lệnh cho dân chúng trong dân gian phải tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng vào đêm Rằm tháng 8 hàng năm. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày Rằm tháng 8 trở thành phong tục của dân gian.



Truyền thuyết khác thì lại nói rằng, vua Đường Minh Hoàng ra lệnh cho đạo sĩ La Công Viễn làm phép để ông có thể lên chơi trăng một lần. Vị đạo sĩ đã cho vua uống một loại thuốc thần bí và sử dụng một chiếc gối đặc biệt cho vua kê đầu.
Trong chốc lát, nhà vua thấy hồn mình nhẹ nhàng bay lên và có mặt ở cung trăng thưởng thức cảnh sắc tiên giới và tiên nữ múa hát trong những bộ xiêm y bảy sắc cầu vồng.

Lúc tỉnh dậy, nhà vua nhớ lại mà mô phỏng ra một khúc nhạc có tên Nghê Thường Vũ Y ( Nghê là cái vòng, Thường là xiêm váy). Khúc nhạc này rất nổi tiếng cho đến tận ngày nay và vua Đường Minh Hoàng luôn được giới nghệ thuật ca vũ Trung Quốc đời sau suy tôn là “Thánh tổ”.

Bánh Trung thu



Tục lệ ăn bánh nướng bánh dẻo trong ngày Tết Trung thu được cho là có liên quan đến cuộc nổi dậy chống quân Mông Cổ của người Trung nguyên vào thế kỷ 14.



Hán quân đã lên kế hoạch cho cuộc nổi loạn diễn ra vào ngày 15 tháng 8 và nhét những mẩu giấy có ghi ngày khởi nghĩa vào trong nhân bánh và phát cho người dân. Khởi nghĩa thắng lợi và ngày Rằm tháng 8 trở thành một ngày trọng đại trong năm, chiếc bánh Trung thu cũng là thứ bánh không thể thiếu trong ngày đó.

Câu chuyện Hằng Nga bay lên Mặt trăng



Một số câu chuyện nói rằng, Hậu Nghệ - chồng của Hằng Nga được Tây Vương Mẫu cho một viên thuốc để trở thành bất tử. Đó là viên thuốc trường sinh dành cho 2 người vì mỗi người chỉ cần cắn một nửa là có thể đạt được ước nguyện.



Hậu Nghệ để nó ở nhà và dặn Hằng Nga không được mở, tuy nhiên, với bản tính tò mò, Hằng Nga đã mở hộp. Đúng lúc Hậu Nghê quay trở về, lo sợ bị nhìn thấy mình đang lục lọi đồ, Hằng Nga vô tình nuốt viên thuốc và cứ thế bay lên trời. Hậu Nghệ giương cung bắn nhưng không đành lòng nên chỉ còn cách đứng nhìn vợ bay lên cung trăng.



Hằng Nga bay lên trời, trở thành Nữ thần Mặt Trăng, làm bạn với Thỏ ngọc và ngày ngày lặng lẽ nhìn xuống trần gian.

Câu chuyện về Thỏ Ngọc giã thuốc trên cung trăng

Có rất nhiều phiên bản khác nhau về chú Thỏ Ngọc song câu chuyện về Thỏ Ngọc sống trên cung trăng lại bắt nguồn từ Phật Giáo Ấn Độ. Chuyện kể rằng, một vị thày tu Bà La Môn yêu cầu 4 con vật là con khỉ, con chó, con rái cá và con thỏ đi tìm thức ăn cho mình. Tất cả các con vật đều tìm được thức ăn ngoại trừ con thỏ.



Để cung cấp thức ăn cho vị thầy tu, thỏ lao mình vào đống lửa nhưng đống lửa bỗng biến thành băng tuyết và thỏ được cứu sống. Vị thầy tu là thần Sakra (thần Ấn Độ) muốn thử lòng các con vật. Sau đó, hình ảnh con thỏ được in lên mặt trăng để tôn vinh tấm lòng của nó.



Trong truyền thuyết Trung Quốc, Thỏ Ngọc giã thuốc trường sinh trên cung trăng làm bạn với Hằng Nga và canh giữ Mặt trăng. Những câu chuyện về thỏ trên Mặt trăng cũng tồn tại trong văn hóa của người Nhật bản, Hàn Quốc và thậm chí cả người Aztec cổ đại.
  • Nhận xét bằng Blogger
  • Nhận xét bằng Facebook
Item Reviewed: Những truyền thuyết về Trung thu Rating: 5 Reviewed By: PHÙNG BẢO KIÊN