Xưa có một bác nông dân có đứa con trai nhỏ bằng ngón tay cái, nuôi mấy năm trời mà không lớn lên được chút nào. Một hôm, bố sắp ra đồng cày thì con bảo:
- Bố ơi, bố cho con đi với.
Bố nói:
- Đi với bố à? Thôi con ở nhà. Con chẳng giúp bố được việc gì, nhỡ lạc thì sao.
Thằng bé tí hon khóc. Ông bố đành phải bỏ nó vào túi mang đi cho nó nín. Đến ruộng bố lấy con ra, đặt nó ngồi trên luống đất mới cày.
Bỗng có một người khổng lồ vợt núi bên kia đi lại.
Bố doạ con:
- Kia kìa, ông ngoáo ộp đến bắt mày đấy.
Nghe thấy thế, ông khổng lồ chỉ bước vài bước đã đến luống cày. Ông lấy hai ngón tay khẽ nhấc đứa bé lên, ngắm nhìn một lúc, rồi lẳng lặng mang đi.
Ông bố sợ chẳng dám nói gì, yên chí không bao giờ lại được thấy mặt con.
Ông khổng lồ đem thằng bé về nhà, chăm cho nó bú. Nó lớn bổng lên và có sức lực như người khổng lồ. Hai năm sau, ông khổng lồ đưa nó vào rừng để thử sức. Ông bảo:
- Mày đi kiếm lấy cái que.
Thằng bé bây giờ đã khỏe lắm rồi. nó nhổ một cây non cả rễ. Nhưng ông khổng lồ nghĩ bụng: “Nó cần phải khỏe hơn thế nữa”. Ông lại đem nó về nhà nuôi thêm hai năm. Thử sức lần thứ hai, nó khỏe hơn trước nhiều, nhổ được một cây cổ thụ. Nhưng ông khổng lồ vẫn cha bằng lòng, lại nuôi nó hai năm nữa. Hai năm sau, ông lại đa nó vào rừng, sai nó lấy một cái que to. Nó nhổ cây sồi to nhất, dễ nh bỡn. Nghe thấy tiếng kêu răng rắc, ông khổng lồ nói:
-Được rồi, mày đã học thành tài.
Ông bèn đem nó về chỗ cánh đồng ông đã bắt nó. Bấy giờ, bố gã thanh niên khổng lồ đang cày. Nó đến bảo bố:
- Thưa bố, bố xem con đã khôn lớn đây này.
Nhưng ông bố hoảng hốt nói:
- Thưa bố, chính con là con của bố, bố để con cày cho, con biết cày, có lẽ con cày còn giỏi hơn cả bố.
Bố đáp:
- Không, không, anh không phải là con tôi, anh không biết cày đâu, anh đi đi.
Ông bố thấy anh ta to lớn đâm sợ, bỏ cày đó, lùi lại đứng sang một bên.
Gã khổng lồ bèn cầm cày ấn mạnh, cày cắm sâu xuống đất. Ông bố thấy cày thế không đúng, kêu lên:
- Muốn cày thì đừng ấn quá như thế, chỉ tổ gãy cày.
Người khổng lồ trẻ tuổi bèn tháo ngựa, tự mình kéo cày và bảo bố:
- Bố về nhà bảo mẹ chuẩn bị cho con một bữa ăn đẫy, để con cày nốt.
Ông bố về nhà bảo nấu ăn.
Còn gã khổng lồ ở lại cày một mình ngót bốn mẫu, tháo cày ra rồi bừa một lúc hai bừa.
Bừa xong, gã vào rừng nhổ hai cây sồi để gánh hai cái bừa và hai con ngựa về, nhẹ nhàng nh gánh rơm. Khi gã vào đến sân, bà mẹ không nhận ra con, hỏi người nào mà to ghê gớm thế. Ông bố nói:
- Con mình đấy.
Bà mẹ đáp:
- Không phải con mình đâu, nó đâu mà to lớn thế, con mình trước kia chỉ bé tí ti cơ mà.
Rồi bà nói to:
- Anh đi đi, chúng tôi không nhận anh đâu.
Chàng thanh niên không nói không rằng, đi nhốt ngựa vào chuồng, cho ngựa ăn thóc ăn cỏ, chăm sóc chúng chu đáo, rồi vào buồng ngồi và nói:
- Mẹ ơi, con đói lắm rồi, mẹ làm cái ăn sắp xong chưa?
Mẹ đáp:
- Đã xong rồi.
Bà liền dọn ra hai đĩa đầy ắp, giá hai ông bà ăn tám ngày cũng đủ. Thế mà chàng thanh niên ăn hết, và còn hỏi có gì ăn nữa không. Bà mẹ nói:
- Không, hết cả rồi.
Chàng nói:
- Con ăn mới dính mép, còn phải ăn nữa. Bà không dám nói gì, chạy xuống bếp nhóm lửa, nấu một nồi thịt lợn cho con ăn.
Con nói:
- Thế là lại được thêm vài miếng nữa.
Chàng ăn tuốt, nhưng vẫn chưa đủ no. Chàng bảo bố: sắm cho con một thanh sắt cứng, để trên đầu gối bẻ không gãy, rồi con đi chu du thiên hạ.
Ông bố thích lắm. Ông sắm hai xe ngựa, đến lò rèn mua một thanh sắt to và dầy, hai con ngựa chỉ vừa đủ sức khéo. Chàng để thanh sắt lên đầu gối bẻ đánh cắc một cái, thanh sắt gãy đôi như que củi, chàng quẳng xuống đất.
Ông bố lại thắng xe tứ mã đi, đem về một thanh sắt rất dài và to, bốn ngựa phải trầy trật mới kéo nổi. Chàng cũng bẻ thanh sắt gẫy đôi, vứt mảnh xuống đất, rồi nói:
- Bố ạ, thanh này con không dùng được, cần thanh khác cứng hơn.
Ông bố lại thắng xe tám ngựa, đem về một thanh sắt to lắm, tám ngựa kéo ì à ì ạch.
Chàng cầm thanh sắt bẻ một mẩu, nói:
- Bố ạ, con biết rằng bố không thể sắm được thanh sắt như ý muốn của con, vậy con không ở nhà nữa.
Nói xong chàng liền ra đi. Chàng đến một làng có bác thợ rèn bủn xỉn không cho ai cái gì bao giờ, suốt đời chỉ bo bo giữ của. Chàng đến xin việc.
Thấy chàng to lớn lực lưỡng, bác thợ rèn nghĩ bụng: “Thằng này cừ đấy, đập hẳn là khoẻ và nuôi cũng bõ tiền”.
Bác hỏi:
- Anh lấy bao nhiêu tiền công?
Chàng đáp:
- Tôi không lấy công đâu. Nhưng cứ mỗi kỳ mười lăm ngày anh em lấy tiền công, thì tôi xin biếu ông hai quả đấm thôi.
Bác hà tiện thấy thế đỡ tốn tiền thích lắm. Sáng hôm sau, bác thợ rèn đưa thanh sắt đỏ ra. Anh thợ bèn đập một nhát búa đầu tiên mạnh đến nỗi thanh sắt bẹp dí, đe thụt sâu xuống, không lôi lên được nữa. Bác hà tiện cáu lên nói:
- Anh đập mạnh quá, không được. Anh mới đánh được một nhát búa, thì anh muốn trả công thế nào?
Chàng nói:
- Chỉ xin biếu ông một cái đấm khẽ thôi.
Thế là chàng đấm cho bác một cái, bay qua bốn xe cỏ. Rồi chàng lấy thanh sắt to nhất trong xưởng làm gậy đi đường.
Đến một trại kia, chàng hỏi có cần nuôi người không.
Chủ trại nói:
- Có, cần một người ở. Anh có sức khỏe, làm được việc. Anh muốn lấy công một năm bao nhiêu?
Chàng đáp lại là không cần tiền công, mỗi năm chỉ cần ông chủ chịu ba quả đấm thôi. Chủ trại cũng là một tay kiệt, lấy làm thích lắm.
Sáng hôm sau, các người ở phải vào rừng kiếm củi. Tất cả đều dậy, trừ chàng khổng lồ vẫn nằm ngủ. Một người gọi chàng:
- Dậy đi mày, chúng tao đi kiếm củi, dậy cùng đi chứ.
Chàng cảu nhảu:
- Thì cứ đi đi, tao đi sau về trước cho mà xem.
Bọn kia chạy đi mách chủ rằng chàng vẫn nằm ngủ lì, không chịu cùng đi vào rừng. Ông chủ sai họ đánh thức chàng một lần nữa và bắt chàng phải buộc ngựa. Nhưng chàng vẫn bảo họ như trước:
- Thì cứ đi đi, tao đi sau về trước cho mà xem.
Chàng nằm ngủ thêm hai giờ nữa, rồi mới dậy ung dung lấy hai đấu đỗ nấu cháo ăn, xong buộc ngựa đi vào rừng.
Phải đi qua một con đường trũng. Chàng cho xe đi trước, rồi dừng ngựa lộn lại nhổ cây và lấp đường. Đến rừng, chàng thấy những người ở đang đánh xe củi chở về. Chàng bảo họ:
- Cứ việc đi đi, rồi tao về trước cho mà xem.
Chàng đi vài bước nhổ hai cây to nhất ném lên xe rồi quay về. Đến chỗ đường mới lấp, chàng thấy những người kia bị nghẽn, không đi được – Chàng bảo họ:
- Đấy nhé, nếu chúng mày cứ bắt chước tao, thì rồi cũng đến cùng về, mà lại ngủ được thêm một giấc nữa.
Chàng thấy ngựa không đi được, bén tháo ngựa ra, để lên xe, rồi dùng một tay nắm càng xe kéo phăng qua nhẹ như bấc. Sang được bên kia rồi, chàng bảo chúng:
- Thấy chưa, tao thoát trước chúng mày nhé.
Chàng đi về trước, mặc kệ mọi người ở đó. Về đến nhà, chàng cầm lấy một cây, giơ cho chủ xem và nói:
- Ông xem thanh củi này có đẹp không?
Chủ trại bảo vợ:
- Thằng này khá, nó dậy sau, mà lại về trước những thằng kia.
Chàng ở trại được một năm. Bọn đi ở được lĩnh tiền công, chàng cũng đòi lĩnh. Ông chủ sợ phải ăn những quả đấm của chàng, cố xin hoãn, muốn gạ cùng chàng thay bậc đổi ngôi, thầy xuống làm tớ, tớ lên làm thầy. Nhưng chàng nói:
- Không, tôi là người ở, tôi cứ giữ địa vị người ở. Đã giao ước thế nào thì phải theo đúng như thế.
Chủ trại hứa chàng xin gì cũng cho, nhưng chàng khăng khăng chẳng chịu. Không biết làm thế nào, ông xin để cho nghĩ mười bốn ngày. Chàng bằng lòng. Chủ trại bèn họp tất cả gia nhân lại để xem có ai tìm ra kế gì không. Họ suy nghĩ mãi rồi đồng thanh nói: “Đụng vào thằng ấy thì toi mạng dễ như bỡn. Nó đập chết người ta như đập ruồi”. Họ bàn nên giả vờ bảo chàng xuống nạo giếng, khi chàng đã ở dưới đáy giếng thì ở trên lăn đá cối xay xuống cho vỡ đầu ra.
Chủ trại cho là kế hay. Chàng khổng lồ bằng lòng xuống giếng. Khi chàng ở đáy giếng, thì ở trên họ lăn đá cối xay to nhất xuống, tưởng thế nào chàng cũng vỡ đầu. Nhưng không, từ dưới, chàng gọi lên:
- Này, ở trên ấy đuổi gà hộ, kẻo nó bới cát rơi xuống bụi vào mắt tớ.
- Ông chủ giả vờ đuổi gà: – “S…S…S…S…”
Nạo giếng xong, chàng lên bờ, nói:
- Trông này, cổ tôi đeo vòng đẹp chưa?
Đó là cái thớt cối đá to choàng vào cổ chàng.
Chàng lại đòi tiền công. Nhưng chủ lại xin khất mười bốn ngày nữa để nghĩ.
Gia nhân tới họp xin chủ sai chàng đến xay bột ban đêm ở nhà xay có ma. Ai đến đấy cũng chết. Chủ cho là kế hay, gọi chàng đến. Buổi tối ông sai chàng đem tám thùng lúa mì đến cối xay ngay đêm đó, nói là vì cần đến bột. Chàng nhét hai thùng vào túi áo bên phải, hai thùng vào túi áo bên trái, bốn thùng vào bao, hai đằng trước ngực, hai đằng sau lưng, rồi đi đến nhà xay có ma. Chủ nhà xay bảo cho chàng biết rằng đến xay ban ngày thì không việc gì, chứ đến xay ban đêm thì thế nào hôm sau cũng chết vì nhà có ma.
Chàng đáp:
- Cháu nhất định cháu có cách thoát. Ông cứ đi nằm mà ngủ cho kỹ. Rồi chàng vào nhà xay lúa mì. Vào khoảng gần nửa đêm, chàng vào ngồi trong buồng chủ xay. Lát sau, cửa tự nhiên mở. Một cái bàn lớn đi vào. Rượu nho, thịt quay và nhiều món ăn ngon tự nhiên nhảy lên bàn. Ghế tự động kê xích lại. Chẳng có một ai đến. Chỉ thấy những ngón tay lấy đồ ăn vào đĩa, cầm dĩa và dao, không thấy gì khác nữa. Chàng đói bụng, lại thấy đồ ăn ngon, ngồi vào bàn, ăn thả cửa.
Khi chàng ăn đã no nê và những người khác đã vét sạch đĩa của họ, thì có tiếng thổi nến đánh phụt một cái. Trong đêm tối, hình như có ai vả vào mặt chàng, Chàng nghĩ bụng: “Nếu còn tát ta cái nữa, ta sẽ nện lại”. Bị tát cái thứ hai, chàng đánh lại ngay. Suốt đêm hai bên đánh nhau, mãi đến tang tảng sáng mới thôi.
Sáng dậy, ông chủ nhà xay chạy đến xem chàng ra sao, thì ngạc nhiên thấy chàng vẫn còn sống. Chàng bảo ông:
- Cháu đã được ăn sướng mồm, cháu bị tát nhưng cháu cũng tát lại ra trò.
Ông chủ nhà lấy làm lạ lắm vì nhà xay như vậy là mất thiêng. Ông hỏi chàng muốn lấy bao nhiêu tiền ông thưởng cho. Chàng đáp rằng chàng có đủ tiền tiêu, không muốn lấy. Chàng vác những bao bột về trại, báo với chủ công việc đã làm xong và xin tiền công.
Nghe nói, chủ trại hoảng hồn. Không biết làm thế nào, ông lên buồng, đi đi lại lại, toát mồ hôi trán. Ông mở cửa sổ cho thoáng, thì bất ngờ bị chàng ở khổng lồ đá cho một cái, ông bay qua cửa sổ tít lên trời. Chàng khổng lồ lại bảo bà chủ trại:
- Nếu ông không trở lại thì bà phải chịu cái đá khác.
Bà chủ kêu om lên:
- Không, không, tôi không chịu nổi đâu.
Chàng liền đá cho bà một cái, bay lên cao hơn ông vì bà nhẹ hơn.
Ông réo gọi bà:
- Bà này lại đây.
Nhưng bà đáp:
- Ông lại đây, chứ tôi không thể lại được.
Hai ông bà cứ lơ lửng trên không, không thể nào lại gần nhau được cho đến bây giờ, không biết họ có còn bay lơ lửng nữa không. Còn chàng khổng lồ lại cầm gậy sắt lên đường.