Một hôm, hai vợ chồng bác nông dân già ngồi nghĩ trước túp lều tồi tàn sau giờ làm việc vất vả. Bỗng có một cỗ xe tứ mã lộng lẫy đến đỗ ngay trước nhà. Một vị ăn mặc sang trọng bước từ trên xe xuống. Bác trai đứng dậy, tiến đến gần vị quý tộc, hỏi ông cần gì. Người lạ mặt bắt tay bác và nói:
- Tôi chỉ ước ao có một điều là được ăn bữa ăn nông thôn một lần xem sao. Hai bác hãy nấu cho tôi một món khoai tây như bác thường nấu, tôi sẽ rất vui sướng ngồi ăn cùng hai bác.
Bác nông dân cười và nói:
- Ngài hẳn là bá tước, hoàng thân hay hầu tước. Những người lịch sự đôi khi hay thèm như vậy. Tôi xin làm theo ý thích của ngài.
Bác gái vào bếp, rửa và gọt khoai tây để làm món khoai theo kiểu nông thôn. Trong khi bác gái làm bếp, bác trai bảo khách:
- Trong khi chờ ăn, mời ngài ra vườn cùng tôi. Tôi còn phải làm việc ngoài đó.
Bác đã đào hố để trồng cây.
Khách hỏi:
- Bác không có con cái nó đỡ đần cho à?
- Không ! – bác trả lời. – Thật ra tôi cũng đã có một thằng con trai, nhưng nó đi chu du thiên hạ từ lâu rồi. Nó là một thằng hư hỏng, láu cá và nhiều mưu mô. Nhưng nó lại không muốn học hành gì cả, chỉ chuyên đi phá quấy. Cuối cùng, nó bỏ nhà đi, và từ bấy đến nay, tôi không có tin gì về nó cả.
Bác lấy một cây non đặt vào hố và cắm một cái cọc chống bên cạnh. Rồi bác vun gốc; khi đã đắp được đất khá cao, bác buộc cây trồng vào cái cọc chống bằng những cây rạ, buộc trên cao, ở giữa và dưới.
- Bác ơi, – vị khách giàu sang nói, – sao bác không buộc cái cọc chống cho cái cây còi cọc ở trong góc kia cho nó mọc thẳng. Nó mọc gần sát mặt đất vì thân cây cong queo.
Bác cười và nói:
- Ông nói mà chẳng hiểu gì cả. Người ta biết ngay là ông chưa từng làm vườn. Cái cây ấy đã già cỗi, còi cọc. Không ai có thể dựng nó mọc thẳng lên được. Phải uốn cây từ lúc còn non.
- Cũng như thằng con bác ấy, – người lạ mặt nói – khi nó còn trẻ, nếu bác dạy dỗ nó tử tế thì nó đã không bỏ nhà ra đi, hẳn bây giờ nó cũng còi cọc rồi.
- Cái đó thì chắc rồi, – bác nói, – nó đi đã lâu hẳn là nó đã thay đổi.
- Liệu bác có nhận được ra anh ta nếu anh ta đứng trước mặt bác không?
- Nhận được mặt nó cũng khó đấy. Bác nông dân trả lời. – Nhưng nó có một dấu vết đặc biệt, một cái nốt ruồi ở vai, giống như hạt đậu.
Khi bác nói tới đó, người lạ mặt cởi áo ngoài ra, trật vai trần ra và chỉ nốt ruồi cho bác nông dân xem.
- Trời ơi! – Bác kêu lên, – đúng là con ta đây rồi.
Và tình yêu con tràn ngập lòng bác. – Nhưng, bác nói thêm, – có thể nào anh lại là con ta ? Con đã trở thành một ông lớn sống trong giàu sang phú quý ! Làm thế nào con lại được như thế.
- Thưa cha! – Người con trả lời – cây con đã không được buộc vào cọc chống nên đã mọc cong queo. Bây giờ cây già rồi, không mọc thẳng lại được nữa. Sao con lại được như thế này ư? Con đã trở thành một thằng ăn trộm. Nhưng cha đừng sợ. Con là vua trộm. Đối với con thì không có khóa, có then cài nào cả. Cái gì con thích là con chiếm được. Cha đừng nghĩ là con đi ăn trộm như một tên trộm tầm thường. Không. Con chỉ lấy cái thừa mứa của nhà giàu. Những người nghèo thì có thể yên tâm, con còn cho họ là đằng khác, chứ không lấy của họ. Mà lấy trộm cái gì mà không vất vả, không cần có mưu mẹo và khéo léo thì con không lấy.
- Ừ, ừ! – bác nói, – nhưng dù sao ta cũng không hài lòng về con. Thằng ăn trộm vẫn là thằng ăn trộm. Ta nói cho con biết, rồi cũng không ra gì đâu.
Bác dẫn con đến bác gái. Khi nhận ra con trai mình, bác gái khóc vì vui sướng. Nhưng khi bác trai cho biết con là vua trộm thì hai dòng nước mắt buồn tủi lại tràn đầy mặt bác. Cuối cùng bác nói:
- Dù nó có là thằng ăn trộm đi nữa thì nó vẫn là con tôi, tôi cũng rất sung sướng được gặp lại nó.
Mọi người cùng ngồi vào bàn ăn và tên ăn trộm lại được cùng ăn với bố mẹ cái món ăn đạm bạc mà lâu nay nó không ăn. Sau đó người cha bảo:
- Nếu ngài bá tước ở trong lâu đài kia mà biết mày đi ăn trộm thì ông ấy đã không bế mày trong lòng ông mà ru như hôm làm lễ rửa tội cho mày. Ông ấy sẽ lấy thừng treo cổ mày lên cho mày đua đưa.
- Cha đừng lo, – người con nói, – ông ta sẽ không làm gì con đâu: con thạo nghề của con. Ngay hôm nay, con sẽ đến gặp ông ta.
Đến chiều, vua trộm lên xe đi đến lâu đài. Bá tước tiếp đón anh một cách kính nể, coi anh là một vị khách cao quý. Khi khách nói cho chủ biết mình là ai thì ông tái mặt đi và ngồi lặng im một lúc. Rồi ông nói:
- Anh là con đỡ đầu của ta. Đáng lẽ phải xử tội theo pháp luật thì ta tha thứ cho anh, xử sự với anh có độ lượng. Anh đã huênh hoang là vua trộm, vậy ta thử tài anh xem. Nếu anh thất bại thì sợi dây thừng sẽ là vợ anh và tiếng quạ kêu sẽ là nhạc cưới của anh.
- Thưa ngài, – tên trộm nói – ngài hãy thử thách cho ba lần thật khó tùy théo ý ngài; nếu tôi không làm nổi, thi ngài muốn xử tôi thế nào cũng được.
Ông bá tước suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Vậy thì, đầu tiên, anh hãy lấy trộm được con ngựa của ta đang ở trong chuồng. Hai là anh phải lấy trộm được cái khăn trải giường trong khi vợ chồng ta đang nằm ngủ mà chúng ta không biết; đồng thời, anh phải rút được cái nhẫn cưới vợ ta đeo ở ngón tay. Ba là anh phải bắt cóc được cha xứ và người giúp việc ông ngay trong nhà thờ. Hãy để ý đến các điều đó, nếu không thì toi mạng đấy!
Vua trộm đến một đô thị gần nhất. Anh mua một bộ quần áo cũ của một bà nông dân rồi mặc vào. Anh bôi mặt thành da màu nâu, vẽ lên mặt nhiều nếp nhăn. Không ai có thể nhận ra anh. Anh đổ đầy rượu vang Hung vào một cái thùng to; trong rượu anh trộn loại thuốc ngủ rất mạnh. Anh đặt thùng rượu trên một cái giá, vác trên lưng và đi chuệnh choạng, bước chậm chạp đến lâu đài bá tước.
Khi anh đến nơi, thì đêm dã khuya. Anh ngồi trên một hòn đá ở sân, ho lụ khụ như một bà già đau ngực và xoa tay mạnh vào nhau như sắp chết rét. Trước cửa chuồng ngựa, lính canh đang nằm dài quanh đống lửa. Một người trong bọn họ trông thấy bà già liền gọi:
- Lại đây mẹ ơi, mẹ hãy lại đây mà sưởi với chúng con. Mẹ không có nơi ngủ, vậy thì mẹ hãy bạ đâu thì ngủ đấy vậy.
Bà già loạng choạng bước lại gần, nhờ họ nhấc xuống hộ cái giá đỡ và thùng rượu, rồi ngồi bên họ.
- Mẹ có gì trong thùng thế ? – Một người lính hỏi:
- Rượu ngon đấy, – bà trả lời, – tôi buôn rượu mà. Các chú nói tử tế và trả cho tôi ít tiền thì tôi vui lòng để các chú uống một cốc.
- Mẹ rót rượu con uống thử xem, – một chú lính nói. – Uống xong nếu rượu ngon thật, con sẽ làm cốc nữa.
Bà rót rượu cho anh, những người lính khác cũng bắt chước bạn.
- Này! Các bạn ơi, – một người trong bọn họ gọi những người ở chuồng ngựa. – Ở đây có mẹ già mang rượu vang lâu năm, tuổi rượu ngang tuổi mẹ. Hãy lại đây mà uống, các bạn sẽ ấm bụng hơn sưởi lửa.
Bà già mang thùng rượu vào chuồng ngựa. Một người lính ngồi trên con ngựa đã đóng yên của bá tước; một người khác cầm dây cương, người thứ ba đang tết đuôi ngựa. Bà già rót rượu cho mọi người uống thỏa thích, cho tới khi thùng rượu cạn. Chẳng mấy chốc, dây cương tuột khỏi tay người lính đang cầm và anh ta nằm lăn ra đất mà ngáy. Người kia buông đuôi ngựa ra, rồi cũng nằm lăn dài ra mà ngáy rống to hơn. Người cưỡi ngựa vẫn ngồi yên, nhưng cái đầu thì cúi rạp xuống gần cổ ngựa; anh ta cũng ngủ và ngáy như kéo bể lò rèn. Những người lính ở bên ngoài ngủ đã từ lâu. Họ không động đậy, cứ như là người đá.
Khi vua trộm thấy mọi việc đều trôi chảy, anh đặt vào tay người lính sợi thừng thế cho dây cương, anh đặt vào tay người lính kia cái chổi rơm thế cho cái đuôi. Nhưng trường hợp thứ ba, giải quyết người ngồi trên yên ngựa cách nào đây ? Anh không muốn làm cho người lính ngã xuống đất, anh ta sẽ tỉnh dậy và có thể kêu la lên. Vua trộm tìm được một kế hay : anh tháo dây buộc yên ngựa ra treo cái yên ngựa lên tường bằng những sợi thừng luồn qua các cái vòng, rồi kéo chàng kỵ mã lên sát trần nhà. Sau đó anh buộc thật chắc dây thừng vào một cái cột. Loáng một cái, anh đã tháo được ngựa ra khỏi xích. Nhưng từ lâu đài, người ta có thể nghe được tiếng vó ngựa đập trên nền sân bằng đá. Anh bèn lấy giẻ bọc móng ngựa lại, dắt ngựa cẩn thận ra khỏi chuồng và đi qua sân, rồi anh nhảy lên ngựa và phi nước đại.
Khi trời sáng, vua trộm phi ngựa đến lâu đài. Bá tước ngủ dậy và đang đứng nhìn qua cửa sổ.
- Chào ngài bá tước! – Vua trộm kêu to. – Đây là con ngựa tôi đã lấy được ra khỏi chuồng ngựa; ngài hãy nhìn kìa, lính của ngài đang ngủ ngon giấc! Nếu ngài ra chuồng ngựa thì ngài sẽ thấy quân canh gác của ngài thoải mái như thế nào.
Bá tước không nhịn được cười. Ông nói:
- Lần này, anh được cuộc. Nhưng lần sau không dễ may mắn thế đâu. Ta báo cho anh biết: nếu ta bắt gặp anh đang ăn trộm, ta sẽ đối với anh như một tên ăn trộm.
Buổi tối, khi đi ngủ, bà bá tước nắm chặt tay có đeo nhẫn. Bá tước bảo vợ:
- Tất cả các cửa ra vào đều đóng và cài then chặt. Tôi sẽ thức để rình thằng ăn trộm. Nếu nó chui cửa sổ vào, thì tôi sẽ bắn hắn.
Vua trộm lẩn vào trong bóng tối, đến cái giá treo cổ, tháo gỡ xuống một người phạm tội đáng thương treo ở đó; anh cõng cái xác trên lưng đi đến lâu đài. Anh dựng một cái thang ở dưới cửa sổ phòng ngủ của bá tước, công kênh xác chết trên vai và trèo lên. Khi anh lên đã khá cao, đầu người chết đã hiện ra ở cửa sổ, thì bá tước nằm trong giường rẫn rình, bắn một phát súng lục. Lập tức, tên trộm xác người bị treo cổ rơi xuống đất, và nó cũng nhảy xuống khỏi thang chạy nấp vào một góc. Sáng trăng vằng vặc, nó trông thấy rõ ràng bá tước trèo thang xuống, vác cái thây ra vườn… Ông ta đào hố để chôn. Đúng dịp may đây rồi, tên trộm tự nhủ, nó chạy nhanh ra khỏi nơi đang trố, leo lên thang, vào phòng bà bá tước.
- Bà nó ơi, – têm trộm bắt chước giọng ông bá tước để nói, – thằng ăn trộm đã chết rồi. Nhưng nó là con đỡ đầu của tôi, và nó là thằng bịp bợm chứ không phải tên gian ác. Tôi không muốn đưa ra công chúng để làm nhục nó. Tôi cũng thương bố mẹ nó nghèo khổ. Tôi sẽ đem chôn nó ở ngoài vườn trước khi trời sáng để câu chuyện khỏi vỡ lở. Bà đưa cho tôi cái khăn rải giường để tôi liệm nó rồi lẳng lặng vùi nó như một con chó.
Bà bá tước đưa cho tên trộm cái khăn rải giường.
- À mà này, bà ạ, tôi lại nổi máu hào hiệp đây, bà đưa tôi cái nhẫn của bà. Thằng xấu số này đã liều mạng vì cái nhẫn, thôi thì ta cho nó để nó mang theo xuống mồ.
Bà bá tước không muốn trái ý chồng; tuy miễn cưỡng, bà cũng rút nhẫn ra đưa. Tên trộm bước ra với hai thứ đã lấy được, nó về nhà không bị cản trở trước khi ông bá tước chôn xong ở trong vườn.
Sáng hôm sau, ông bá tước ngẩn tò te ra khi tên trộm mang lại cho ông cái chăn và cái nhẫn!
- Mày là phù thủy à? – Ông hỏi – Ai đã kéo mày ra khỏi nấm mồ, là nơi chính tao đã chôn mày. Ai đã làm mày sống lại?
- Ông có chôn tôi đâu, thưa ông bá tước, – tên trộm nói, – đó là xác một người phạm tội đáng thương ở giá treo cổ.
Vá nó kể lại tỉ mỉ nó đã làm thế nào. Ông bá tước phải công nhận nó đúng là một tên ăn trộm nhiều mưu mẹo.
- Nhưng chưa xong đâu! – Ông bảo tên ăn trộm. – Mày còn một việc cuối cùng phải làm và nếu không làm được thì tất cả những việc mày đã làm đều vô ích.
Tên trộm mỉm cười không trả lời.
Đến đêm, nó lại nhà thờ lang, vác một cái bao tải to trên lưng, cắp nách một cái gói, tay cầm một cái đèn.
Trong bao tải có cua, trong gói có những cây nến nhỏ. Tên trộm ngồi ở trong nghĩa địa sát nhà thờ, lôi một con cua trong bao tải ra, gắn lên mai cua một cây nến. Nó thắp nến lên rồi đặt cua xuống đất cho nó bò đi. Nó lấy con thứ hai, cũng làm như vậy, và tiếp tục cho đến khi trong bao tải hết sạch cua. Lúc đó nó khoác một cái áo khoác lông đen dài, giống cái áo của cha xứ và gắn vào cằm một bộ râu dài màu xám. Không ai nhận ra được nó nữa. Nó vào trong nhà thờ, đứng lên trên bục giảng.
Đúng lúc ấy, chuông đồng hồ điểm nửa đêm. Khi tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, nó kêu gầm, giọng vang lên:
- Hãy nghe đây, hỡi các người tội lỗi. Ngày tận thế đã đến! Ngày phán xử cuối cùng không còn xa! Hãy nghe đây! Hãy nghe đây! Ai muốn lên Thiên đường thì hãy chui vào cái bao này. Ta là Thánh Pê-tơ-rut, làm nhiệm vụ đóng cửa và mở cửa Thiên đường. Hãy nhìn ra ngoài kia, ở nghĩa địa, những xác chết đang chui ra khỏi mồ và đang gom hài cốt lại. Hãy lại đây, hãy lại đây mà chui vào bao này, ngày tận thế đã đến!
Tiếng tên trộm vang khắp làng. Cha xứ và người giúp việc ở sát nhà thờ, là những người nghe thấy trước tiên. Khi họ trông thấy ánh sáng di động trong nghĩa địa, họ hiểu ngay là có chuyện bất thường xảy ra và họ chạy đến nhà thờ. Họ nghe lời phán truyền của tên trộm một lúc. Người giúp việc lấy khuỷu tay huých cha xứ và nói:
- Dầu sao, cũng không nên bỏ lỡ cơ hội cùng nhau lên Thiên đường không phải nó khó khăn vất vả gì cả.
- Nhất định rồi – Cha xứ trả lời – Tôi cũng nghĩ thế. Nếu anh đồng ý thì ta cùng đi
- Vâng, – người giúp việc nói – nhưng người đi trước phải là cha, con xin theo sau.
Cha xứ tiến lên trước, trèo lên bục giảng, ở đó trên trộm đang cầm bao. Cha chui vào bao trước, theo sau là người giúp việc.
Ngay lập tức, vua trộm cột chặt miện bao và kéo bao từ bục giảng xuống. Mỗi lần đầu của hai người ngớ ngẩn chạm phải bậc lên xuống, têm trộm lại kêu to:
- Chúng ta đang leo núi!
Cứ như vậy nó lôi họ đi qua làng; khi đi một vũng nước thì nó lại kêu:
- Bây giờ chúng ta qua những đám mây sinh ra mưa đấy!
Và, cuối cùng, khi leo lên bậc thềm của lâu đài thì nó kêu:
- Chúng ta đang trèo các bậc thang lên Thiên đường; chúng ta sẽ vào tiền sảnh!
Khi trèo lên cao, nó vứt cái bao vào chuồng chim bồ câu; chim đập cách thì nó nói:
- Các ông có nghe thấy tiếng đập cánh của các thiên thần đang vui đùa không?
Sau đâu đó, nó đóng cửa chuồng chim lại và bỏ đi.
Sáng hôm sau, vua trộm đến gặp bá tước báo là đã làm xong việc thứ ba là bắt cóc cha xứ và người giúp việc ngay trong nhà thờ.
- Thế mày để họ ở đâu ?, bá tước hỏi.
- Họ đang ở trong một cái bao trên chuồng chim bồ câu và họ tưởng là đang ở trên trời.
Bá tước đích thân lên xem và thấy là tên trộm nói đúng. Khi ông mở bao cho cha xứ và người giúp việc ra, ông nói:
- Mày là vua trộm và mày đã thắng cuộc. Nhưng mày hãy đi khỏi xứ sở của ta ! Nếu người ta còn thấy mày ở đây thì chắc chắn mày sẽ hết đời ở trên giá treo cổ.
Vua trộm về từ biệt bố mẹ, rồi lại lên đường đi chu du thiên hạ. Từ đấy, không ai còn tin gì về anh ta nữa.