banner

Trang được xây dựng với nội dung giải trí dành cho tuổi thơ, giúp các bé hiểu biết thêm về ngôn ngữ, lịch sử, sự vật đời sống... thông qua các câu truyện Cổ tích, Truyền thuyết dân gian, nghệ thuật vẽ tranh, hài hước... từng bước xây dựng nền tảng trí tuệ cho bé. Trang cũng dành một phần nội dung cho bậc làm cha mẹ như: Đặt tên cho con - Tưởng dễ mà khó, sứ khỏe, nấu ăn, bài thuốc hay... Chúc các bé cùng phụ huynh thư giãn vui khỏe! Bé nào muốn có tranh, video, vui cười... muốn đăng lên trang này, nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt nội dung trước khi được đăng nhé!
Bài ngẫu nhiên
Bé nào có tranh đẹp, video hay, vui cười,... muốn đăng trên trang này thì nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt trước khi được đăng.
19 tháng 3, 2014

Ly kỳ vị quan sống qua 13 đời vua Nguyễn

Sinh vào năm Gia Long 17 và mất năm Bảo Đại thứ 4, Đoàn Tử Quang có lẽ là người duy nhất đã sống qua hết triều Nguyễn.

Thí sinh “cổ lai hy”

Nền thi cử khoa bảng gần 1.000 năm ở nước ta có không ít những thí sinh đỗ đạt khi tuổi đã tứ tuần, ngũ tuần. Tuy nhiên, ở tuổi 82 mà còn đi thi thì chỉ có mình ông Đoàn Tử Quang mà thôi. Ông sinh năm 1818, triều vua Gia Long thứ 17, người làng Phụng Đạt, xã Phụng Công – Hương Sơn, nay là xã Đức Hòa và Đức Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.


Đoàn Tử Quang là con thứ hai của ông Đoàn Nhuyện (có biệt hiệu là Liệt Giang cư sĩ) và bà Lê Thị Nậm. Chồng mất khi mới 20 tuổi nhưng bà Nậm nhất quyết không đi bước nữa mà ở nhà thờ chồng và dạy dỗ con trẻ nên được tiếng tốt và được vua ban cho tấm biển “Tiết hạnh khả phong”.



Chân dung Đoàn Tử Quang. Ảnh: Văn hóa Nghệ An.

Từ nhỏ đã được mẹ khuyến khích học hành, theo đuổi khoa cử để lập công danh nên Đoàn Tử Quang rất chăm chỉ học tập. Chăm chỉ lại sáng dạ nên Đoàn Tử Quang học rất giỏi. Dù vậy, như câu thành ngữ “học tài thi phận”, ông thi nhiều lần mà chẳng đỗ. Cho đến tận lúc tuổi già ông chỉ 2 lần đỗ tú tài: một lần năm ông 49 tuổi và một lần năm 66 tuổi.


Năm 1900, triều đình lại tổ chức khoa thi. Trước đó mấy tháng, vợ cả của Đoàn Tử Quang mất. Hai người con trai của Tử Quang đều là sĩ tử, đã vượt qua khảo hạch nhưng theo luật lệ lúc ấy, họ phải để tang mẹ, không được thi. Bà Lê Thị Nậm lúc này đã 98 tuổi vẫn áy náy trong lòng vì con cháu mình học hành đến nơi đến chốn mà chưa ai đỗ đạt cho rạng mặt cha ông. Dịp này vì việc gia đình, hai đứa cháu lại phải bỏ lỡ một kỳ thi Hương thật là đáng tiếc.


Con cái phải để tang mẹ đã đành còn chồng thì lễ giáo vẫn cho phép dự thi kia mà. Nghĩ vậy, bà cụ hết sức động viên con trai mình là ông Đoàn Tử Quang – lúc này đã 82 tuổi, lều chõng đi thi. Biết chuyện, bà con hàng xóm cùng họ hàng thân thích cũng ra sức cổ vũ, khuyên nhủ ông Quang bớt sầu não, xếp việc riêng tư để đi thi, thử tranh đua với thiên hạ phen nữa, may ra đỗ đạt cho thỏa lòng mong mỏi của mẹ bấy lâu mà cũng rạng rỡ tổ tông. Vâng lời mẹ, Đoàn Tử Quang lại lều chõng đi thi phen nữa.


Cả trường thi ngạc nhiên


Chuyến lều chõng của Đoàn Tử Quang năm 1900 được chép khá rõ trong cuốnChuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa của tác giả Quốc Chấn (Nxb Thanh Hóa). Chuyện kể rằng, khoa thi Hương ở trường Nghệ An năm Thành Thái thứ 12 (1900), các quan giám khảo thấy Đoàn Tử Quang râu tóc bạc phơ, hỏi tuổi đã bát thập mà vẫn nuôi chí học hành thi cử thì đều cho là chuyện lạ hiếm thấy và tỏ lòng bái phục. Nhưng ai cũng ái ngại cho ông lão, sợ ông ta trí óc già nua lú lẫn khó làm nổi bài thi.



Bàn thờ cụ Đoàn Tử Quang ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. 

Chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh chứng kiến việc này và đã viết bài ký: “Nghệ trường giai sư” (việc đáng nói ở trường thi Nghệ An) kể về quá trình thi cử của cụ Đoàn Tử Quang: “Vào thi, ông Đoàn cũng mang ống quyển, hạ lều, trải chiếu và ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh ở vị trí của mình theo đúng qui định một cách nhanh nhẹn không thua kém gì thí sinh trẻ tuổi.


Có người cho rằng ông Đoàn khó qua nổi vòng thi đầu tiên, vì ở cái tuổi đại thọ như ông rất dễ quên hoặc nhầm lẫn không viết tránh các tên húy theo quy định. Tuy vậy đến kỳ phúc hạch, còn lại 35 người trong đó có ông Đoàn. Lần này các quan trường lại cho là văn sách thơ phú ông không nhớ được nhiều, chữ viết tay run e rằng khó tránh nghiêng ngả, đậm nhạt không đúng kiểu. Nhưng thí sinh 82 tuổi này một lần nữa lại làm các quan trường ngạc nhiên khi khớp phách thấy bài của ông được chấm ưu về kinh nghĩa, thơ phú và loại thứ về văn sách. Chữ không hề run mà còn rõ ràng hơn nhiều thí sinh khác”.


Qua 4 kỳ thi, Đoàn Tử Quang đạt kết quả 2 ưu, 2 thứ, kém thủ khoa Phan Bội Châu 1 ưu. Đáng lẽ Đoàn Tử Quang được xếp Á nguyên nhưng khi xét trong quyển, nơi cộng các chỗ tẩy xóa, theo quy định, thí sinh phải viết 3 chữ “cộng quyển nội” rồi mới được kê ra từng lỗi, thì ông lại không viết. Lỗi này là lỗi phạm trường quy, theo luật phải đánh hỏng nhưng quan chánh chủ khảo cảm phục chí học hành của ông nên đã làm tờ tấu về triều xin cho ông đỗ nhưng chỉ xếp thứ 29 trong 30 người đỗ.


Một lần bổ dụng ngoại lệ


Vậy là ở tuổi 82, Đoàn Tử Quang đã đỗ đạt, thỏa ước muốn bình sinh. Theo quy định của triều đình nhà Nguyễn lúc ấy thì các quan lại đến tuổi 65 là nghỉ hưu nhưng riêng trường hợp Đoàn Tử Quang, lúc này đã 82 tuổi song vẫn được đặc cách bổ dụng làm Huấn đạo (chức quan phụ trách việc giáo dục 1 huyện ) ở Hương Sơn. Sau một thời gian, ông lại được đổi về làm Huấn đạo Can Lộc. Năm 85 tuổi, Tử Quang xin về nghỉ để phụng dưỡng mẹ già lúc này đã trên trăm tuổi.


Để bày tỏ sự khuyến khích học hành, triều Nguyễn đã đặc cách phong chức cho Đoàn Tử Quang ở tuổi 83. Đến năm ông 106 tuổi, mặc dù đã nghỉ hưu, triều đình vẫn thăng cho chức Hàn lâm viện thị độc – một chức quan cấp Bộ để tỏ lòng ưu ái cho người bền chí học hành.


Ngoài sự bền chí trong học hành thi cử, Đoàn Tử Quang còn là một trong những người đại thọ của nước ta. Ông mất năm 1928, hưởng thọ đúng 110. Năm ông mất là năm Bảo Đại thứ 4. Nếu chỉ tính về triều đại thì Đoàn Tử Quang đã sống dưới đủ 13 triều vua nhà Nguyễn. Đây quả là một sự hiếm thấy.
  • Nhận xét bằng Blogger
  • Nhận xét bằng Facebook
Item Reviewed: Ly kỳ vị quan sống qua 13 đời vua Nguyễn Rating: 5 Reviewed By: PHÙNG BẢO KIÊN