banner

Trang được xây dựng với nội dung giải trí dành cho tuổi thơ, giúp các bé hiểu biết thêm về ngôn ngữ, lịch sử, sự vật đời sống... thông qua các câu truyện Cổ tích, Truyền thuyết dân gian, nghệ thuật vẽ tranh, hài hước... từng bước xây dựng nền tảng trí tuệ cho bé. Trang cũng dành một phần nội dung cho bậc làm cha mẹ như: Đặt tên cho con - Tưởng dễ mà khó, sứ khỏe, nấu ăn, bài thuốc hay... Chúc các bé cùng phụ huynh thư giãn vui khỏe! Bé nào muốn có tranh, video, vui cười... muốn đăng lên trang này, nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt nội dung trước khi được đăng nhé!
Bài ngẫu nhiên
Bé nào có tranh đẹp, video hay, vui cười,... muốn đăng trên trang này thì nhờ bố mẹ gửi vào hộp thư: phungban@gmail.com để duyệt trước khi được đăng.
19 tháng 7, 2013

Kính Hiếu Cha Mẹ - phần 1


(Trích dẫn trong tác phẩm Tìm Hiểu Việc Đời Đã Qua 1 của Nguyễn-Phú-Thứ)

Như đã biết, nếu không có cha mẹ sanh thành dưỡng dục, thì không có chúng ta ở trên quả đất nầy. Quả thật vậy :

Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,


Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con...Ngoài ra, trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật cũng đã dạy về công ơn cha mẹ như sau : 

Ân cha lành cao như núi Thái,
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi,
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sanh ta.


Xuyên qua những lời dạy ở trên, tuy đơn sơ ngắn gọn, nhưng nó vô cùng trân quý, bởi bổn phận làm con phải biết hiếu kính với cha mẹ đã được thấm nhuần từ xa xưa của tổ tiên ông bà để lại cho ngày hôm nay. Hơn nữa, nếu xét về Dương Âm tức Trời Đất, thì người Cha tức Dương và người Mẹ tức Âm, chẳng khác nào ban ngày và ban đêm hay nói khác đi, nếu không có Thiên Địa tức Trời Đất, thì không thể tạo nên chúng sanh tức con người được, cho nên nếu không có "Cha sanh, Mẹ dưỡng" thì không thể có chúng ta. Bởi vì :
Có Cha, có Mẹ thì hơn,
Không Cha, không Mẹ như đờn đứt dây. (*)

(*) Ở đây ngụ ý nói là khi chúng ta sanh ra rồi, mà mất cha lẫn mẹ thì khốn khổ vô cùng. Người cha tuy không mang nặng đẻ đau như người mẹ, kể từ cấn thai cho đến nở nhụy khai hoa (sanh nở), mẹ phải mang nặng cái bào thai suốt trên chín tháng nặng nhọc, rồi bị hành thai, ăn uống vô cùng khó khăn, làm cho sức khoẻ của mẹ càng ngày tiều tụy, để rồi đúng ngày sanh nở phải đẻ đau. Nếu việc sanh đẻ suông sẻ, bình thường là tốt đẹp, thì xem như "Mẹ tròn Con vuông" (thành ngữ). Nếu như sanh đẻ khó khăn, đôi khi cũng nguy hiểm đến tánh mạng của mẹ, thì không khác gì người mẹ đi biển một mình, bởi đúng với câu :

Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình
(tục ngữ).

Sau khi sanh nở xong, mẹ cũng phải cận kề để lo cho con liên tục trong ba năm nhũ bộ, rồi cùng cha lo từ tấm tã, từ manh quần tấm áo, từ giấc ngủ cho đến khi đau ốm. Trái lại, nếu không có cha tạo thành cũng như lao tâm, lao lực, nhọc trí lo lắng cho con từ tinh thần đến vật chất để có sự sống và còn tiếp tay với mẹ dạy dỗ con từ tấm bé cho đến khi khôn lớn, thì không có con ngày hôm nay. Công ơn của cha mẹ đối với các con thật to lớn như trời cao, biển rộng, nào là mớm cơm cho ăn từng bữa, nào là săn sóc cho con từng giấc ngủ canh khuya, nhất là sự lo lắng lúc mọc răng, ấm đầu phải chạy lo từng liều thuốc hay giọt sữa...Để rồi, khi con khôn lớn, việc lo toan đó lại càng chồng chất nhiều hơn nữa và mong sao con sau này sẽ nên danh nên phận, hữu dụng với họ hàng, làng nước. Ngoài ra, trong thời kỳ mẹ mang thai dạ chửa, cha lúc nào cũng cận kề mẹ, để săn sóc, giúp đỡ mẹ từ miếng ăn, bởi vì mẹ hết thèm món này đến món nọ, nhất là những trái cây có vị chua hoặc vị ngọt hay một nồi chè thật ngon ngọt cũng nên, thay vì ăn cơm bình thường như mọi ngày. Khi con lọt lòng mẹ, cha cũng phải đỡ đần mẹ để pha từng bình sữa, giặt giũ khi mẹ còn non yếu sau khi sanh nở. Khi con được đầy tháng, cha cũng đứng ra lo liệu lễ vật nhang đèn để cúng đầy tháng cho con, cha khấn vái cầu xin mụ bà và các vị thần linh phù hộ cho con mau ăn chóng lớn, có lẽ đó là lần đầu tiên trọng đại trong đời khi cha mẹ có đứa con đầu lòng. Khi con được hai ba tháng, nằm ngữa hươ tay hươ chân, mở mắt nhìn ngơ ngác, xoay đầu sang phải, sang trái, rồi nở nụ cười vô tư hồn nhiên, nhưng làm cho cả nhà vui mừng, quả thật nụ cười của con làm cho những nụ cười rạng rỡ của các khuôn mặt người thân thương trong gia đình và xóa mờ những nếp nhăn trên trán của ông bà, bởi vì con đã biết nở nụ cười đầu đời, để rồi thời gian cứ trôi qua, con lần lượt biết lật, biết bò, biết ngồi, biết vịn tay cha mẹ đứng lên được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích người thân trong gia đình vang lên rộn ràng đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha mẹ. Hơn nữa, cha cũng thường được phân công đút cho con những miếng ăn đầu tiên... Ôi! làm sao kể cho hết những công lao của cha dành cho con. Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng trẻ mới vừa được làm cha mẹ, sanh được đứa con đầu lòng, thì lúc nào cha mẹ cũng dành hết tình thương cho con, nhứt là cha sẵn sàng làm trò hề để cho con vui hoặc làm thân trâu ngựa để cho con cỡi, miễn sao con vui là được... Đó chính là tình thương của cha dành cho con thật vô bờ bến vậy. Khi con đến tuổi đi học vỡ lòng, cha mẹ lo lắng đưa đón cho con đến trường, thật đúng với câu : "Cha đưa, Mẹ đón" (thành ngữ). và hằng đêm cha lại dạy dỗ từng chữ để con học để nên người sau này. Do vậy, công cha đối với con cũng vô cùng to lớn như mẹ vậy, nào là lo ăn mặc, cho con ăn học, dạy dỗ cho con... bởi vì, chỉ có cha con mới sợ đòn, mà chịu nghe lời dạy bảo hơn mẹ, bởi tục ngữ :
Mẹ đánh một trăm (*)
Không bằng cha hăm một tiếng
(*) một trăm là để chỉ 100 roi.

Công Cha như thế đó, còn công Mẹ như thế nào?

Như chúng ta đều biết, sau khi con đã chào đời, mẹ lúc nào cũng ở cận kề con hơn cha, để cho con bú với bầu sữa mẹ mỗi khi con khát sữa, (Con không khóc, mẹ không cho con bú), trong suốt ba năm nhũ bộ, mỗi lần con mọc răng, ngứa nướu con thường cắn vú mẹ, nhưng người mẹ vẫn cam chịu đau và lại mừng thầm nữa, bởi vì, biết con đã mọc răng sữa, cho nên người mẹ mới mắng yêu rằng : "Con đã mọc răng, nói năng gì nữa" (tục ngữ). Khi con được vài tháng, mẹ bắt đầu nấu cháo hay nhai cơm cho nhuyễn với cá hay thịt, với nước miếng của mẹ làm cho dễ tiêu, rồi mớm cơm vào miệng cho con ăn. Đó là phương pháp ngày xưa, phương pháp này rất tiện và có cả tình thương của mẹ dành cho đứa con nữa, mặc dù thấy không hạp vệ sanh như ngày nay... Do những công lao của mẹ như trên, đã được trong dân gian truyền khẩu qua ca dao, tục ngữ như sau :
Con mẹ có thương mẹ thay,
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau.
Cha mẹ sanh thành tạo hóa,
Nhai cơm, lựa cá, nhai cá lựa xương.
Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển
(ca dao)

Hay là :
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm được những vì sao,
Đố ai đếm được, công lao mẫu từ.

hoặc là :
Nhớ ơn chín chữ (**) cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình
(***).
(**) Trong Kinh Thi của Khổng Tử đã nói đến 9 điểm, gọi là 9 chữ cù lao dành cho người mẹ. Đó lả : Sinh (sinh nở), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vỗ về), Dục (dạy dỗ), Súc (cho bú), Trưởng (nuôi lớn), Cố (trong nôm), Phục (nuông chiều), Phúc (che chở) .
(***) Tình ở đây là tình mẹ dành cho con thật bao la, bát ngát vô tận, mỗi lần mẹ cất tiếng ru con ngủ, thì mẹ cũng nói lên nỗi niềm ấy như sau :
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
hay là :
Cha mẹ ngoảnh đi, thì con dại,
Cha mẹ ngoảnh lại, thì con khôn.
(tục ngữ)

Và mẹ cũng hy sanh, dành nơi khô ráo cho con nằm ngủ, mỗi khi con đái dầm hoặc những đêm vào mùa thu con không ngủ được, vì trái nắng trở trời, mẹ phải thức thâu đêm để đưa võng ru cho con ngủ, bởi có câu :
Gió mùa thu mẹ mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức đủ năm canh.


cho đến khi con lên ba tuổi, thì cha mẹ mới đỡ khổ. Quả đúng vậy, bởi vì :
Ai rằng công mẹ như non,
Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.


                                                  (Xem tiếp phần 2)
  • Nhận xét bằng Blogger
  • Nhận xét bằng Facebook
Item Reviewed: Kính Hiếu Cha Mẹ - phần 1 Rating: 5 Reviewed By: PHÙNG BẢO KIÊN